Truy cập nội dung luôn

Lịch sử, ý nghĩa của ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7

27/07/2023 08:39    228

Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 là ngày Lễ kỷ niệm được tổ chức hàng năm nhằm tưởng niệm những người thương binh liệt sĩ đã hy sinh, mất mát qua những cuộc chiến. Qua đó tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về lòng biết ơn đối với những người có công với Cách mạng từ trước đến nay.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước CHXHCN Việt Nam) ra đời chưa được bao lâu thì thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Vì tinh thần... “thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước nhất định không chịu làm nô lệ ” quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu chống lại quân xâm lược. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến quyết liệt chống thực dân Pháp nhiều đồng bào, chiến sỹ đã ngã xuống hi sinh một phần xương máu trên các chiến trường.

          Trước tình hình trên, đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ bị nạn ra đời ở Thuận Hóa (Bình Trị Thiên), rồi đến Hà Nội và một số địa phương khác... Sau đó ít lâu được đổi thành Hội giúp binh sĩ bị thương. Ở Trung ương có Tổng Hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch danh dự của Tổng Hội.

          Ngày 17/11/1946, cũng tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Liên Hiệp Quốc dân Việt Nam đã tổ chức lễ xung phong “Mùa đông binh sỹ”, mở đầu cuộc vận động “Mùa đông binh sĩ” trong cả nước để giúp chiến sĩ trong mùa đông giá rét. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự buổi lễ và Người đã cởi chiếc áo đang mặc để tặng binh sĩ.

          Ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức ký Sắc lệnh số 20/SL, quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ đối với cuộc kháng chiến và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đến thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ.

          Tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội phụ nữ Cứu quốc, Trung ương Đoàn thanh niên Cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin Tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ (Bắc Thái) để bàn về công tác thương binh, liệt sĩ và thực hiện Chỉ thị của Hồ Chủ Tịch chọn một ngày nào đó làm ngày Thương binh, liệt sĩ. Tại cuộc họp này các đại biểu đã nhất trí chọn ngày 27 tháng 7 là ngày “Thương binh toàn quốc”.

          Từ tháng 7 năm 1955, Đảng và Nhà nước ta quyết định đổi “Ngày Thương binh toàn quốc” thành “Ngày Thương binh, liệt sĩ” để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc.

          Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo Chỉ thị 223/CT-TW ngày 08/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27 tháng 7 hằng năm chính thức trở thành “Ngày Thương binh, liệt sĩ” của cả nước.

          Mỗi năm cứ đến “Ngày Thương binh, liệt sĩ” nhất là vào dịp kỷ niệm năm tròn, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta lại tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, đầy tình nghĩa chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.  Xã Tịnh Ấn Tây xây dựng kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa với thương binh, bệnh binh, gia đình Liệt sỹ, Mẹ VNAH, người có công với nước trên địa bàn xã, tổ chức tuyên truyền triển khai thực hiện đầy đủ các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa" cho thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng ủy, Chính quyền, Mặt trận các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức thực hiện các hoạt động thiết thực cụ thể để tất cả người có công và thân nhân của họ đều được quan tâm, chăm sóc, ổn định đời sống vật chất, động viên về tinh thần. Nhân kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh – liệt sỹ, UBND thành phố và UBND xã tổ chức đi thăm, tặng quà cho 20 gia đình là thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng tiêu biểu với tổng kinh phí  14.000.000đ. Tiếp nhận và cấp phát kịp thời 192 suất quà của Chủ tịch nước, 198 suất quà của UBND tỉnh, 198 suất quà của UBND thành phố, tổng kinh phí  216.000.000đ.

76 năm qua, hệ thống chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng đã nhiều lần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước, việc chăm lo vật chất và tinh thần cho các gia đình thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu. Điều đó thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong việc thực hiện truyền thống đạo lý.

  Đây là những việc làm có ý nghĩa thiết thực, nhằm động viên kịp thời các đối tượng chính sách, tạo điều kiện để họ tiếp tục cống hiến sức lực của mình cho xã hội như lời Bác Hồ đã từng dạy Thương binh tàn nhưng không phế ”.

          Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Tịnh Ấn Tây quyết tâm đưa công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng trở thành một nét đẹp trong đời sống thường ngày của mỗi người. Đền đáp xứng đáng sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh cho cuộc sống hoà bình, tự do, ấm no, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam ngày hôm nay./.

Lê Thị Xuân Nghiệp - PCT UBND xã .

Tin liên quan

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Xã Tịnh Ấn Tây | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Thị Kim Hồng

Điện thoại: 0366.440.233 – Điện thoại cơ quan: 0255. 3.842.229

Địa chỉ: xã Tịnh Ấn Tây, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi

Email: ntkhong-thanhpho@quangngai.gov.vn