BÀI TUYÊN TRUYỀN 63 NĂM THẢM HỌA DA CAM Ở VIỆT NAM (10/8/1961 – 10/8/2024)
I.THẢM HỌA DA CAM Ở VIỆT NAM
1. Chất độc da cam/dioxin.
- Chất độc da cam (Agent Orange): Là một loại chất độc hóa học không màu, không tan trong nước, tan trong dầu diezel và các dung môi hữu cơ, có tỷ trọng ở 25º C là 1,28 kg/lít. Loại chất độc này được các nhà sản xuất để trong các thùng phuy sơn một vạch màu da cam ở giữa để đánh dấu độ độc của loại hóa chất này, nên được gọi là chất độc da cam (Chất trắng được để trong các thùng phuy sơn vạch trắng, chất xanh được để trong thùng sơn vạch màu xanh...)
Chất độc da cam là tổng hợp 50/50 của hai loại thuốc diệt cỏ 2.4-D và 2,4,5-T. Mặc dù là tổng hợp của 2 loại chất diệt cỏ 2.4-D và 2,4,5-T, nhưng không thể gọi chất độc da cam là “chất diệt cỏ” hay “chất làm rụng lá” thông thường, vì trong quá trình tổng hợp 2 chất diệt cỏ nói trên, các nhà sản xuất đã tăng nhiệt lượng để rút ngắn thời gian sản xuất, làm phát sinh thêm thành phần dioxin.
- Dioxin: Là tên gọi chung của một nhóm hàng trăm các hợp chất hóa học có tên khoa học là 2-3-7-8 tetra chloro dibenzo-dioxin, gọi tắt là 2,3,7,8 – TCDD. Tùy theo số nguyên tử Clo và vị trí không gian của những nguyên tử này, dioxin có 75 đồng phân PCDD và 135 đồng phân PCDF với độc tính khác nhau.
Dioxin là chất độc mạnh nhất mà loài người biết được cho đến nay. Các nhà khoa học tổng hợp được dioxin lần đầu tiên vào năm 1957. Người ta phát hiện dioxin có thể gây ung thư, các dị tật bẩm sinh trên các phôi với liều rất nhỏ. Với liều lượng cỡ 1 picogram ( ppt - phần ngàn tỉ gram) dioxin có thể gây bệnh ung thư, tai biến sinh sản ở người; vài chục nanogram (ng- phần tỉ gram) dioxin có thể lập tức gây chết người.
- Chất độc da cam/dioxin: Là cụm từ được dùng để nhấn mạnh độc tính của chất độc da cam.
2. Một thảm họa chất độc hóa học chưa từng có trong lịch sử loài người
Từ xa xưa chất độc đã được sử dụng trong các cuộc chiến tranh. Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, chất độc hóa học đã được chế tạo và sử dụng như một loại vũ khí, được gọi là vũ khí giết người hàng loạt.
- Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ không chỉ dùng các loại bom đạn gây thương vong mà còn sử dụng cả chất độc hoá học nhằm triệt hạ nguồn sinh sống của nhân dân Việt Nam, ngăn chặn bước tiến của các lực lượng vũ trang cách mạng.
- Thực tế chứng minh, cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người.
Từ năm 1961([1]) đến năm 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam ([2]), chứa 366 kg dioxin xuống các cánh rừng, các thôn ấp, các khu đất trồng trọt với tổng diện tích 3,06 triệu ha, gần bằng ¼ tổng diện tích miền Nam Việt Nam, vượt gấp 17 lần mật độ cho phép sử dụng trong nông nghiệp Mỹ; trong đó có 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần. Chỉ riêng khu vực A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế, theo tài liệu được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố, khối lượng chất da cam rải xuống đây khoảng 434.812 gallon, với một lượng dioxin khoảng 11 kg trong khoảng thời gian từ năm 1965-1970.
- Chất độc da cam đã tác động mạnh mẽ, lâu dài tới môi trường, các hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Với một lượng khổng lồ chất độc hóa học phun rải lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, môi trường bị ô nhiễm nặng nề, các hệ sinh thái bị đảo lộn; chức năng giữ nước chống lụt của rừng bị suy giảm; đa dạng sinh học bị suy thoái và trở nên nghèo nàn; một số loài động vật thực vật quý hiếm bị tuyệt chủng; các loài gậm nhấm và cỏ dại phát triển. Hệ thống rừng ngập mặn ở miền Nam, nhất là ở Rừng Sác, phía Đông Bắc Sài Gòn và ở huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau bị phá hủy nặng nề; vai trò của rừng ngập mặn trong giữ đất, lấn biển bị giảm sút.
Chất độc da cam (CĐDC) đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm([3]), hơn 3 triệu người là nạn nhân([4]), gây nên biết bao thảm cảnh mà nhiều thế hệ người Việt Nam phải hứng chịu. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Các kết quả nghiên cứu ở Việt Nam và thế giới cho thấy, chất độc da cam/dioxin có khả năng gây tổn thương đa dạng và phức tạp trên tất cả các bộ máy sinh lý của cơ thể, gây ung thư da, tổn thương da, gan, tuyến giáp, đái tháo đường; làm tổn thương hệ thống hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, nội tiết, thần kinh; có vai trò quan trọng gây đột biến gen và nhiễm sắc thể, từ đó gây nên các dị tật bẩm sinh, các tai biến sinh sản. Các bệnh phổ biến ở con, cháu NNCĐDC là liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư, dị dạng, dị tật bẩm sinh.
- Đặc biệt là CĐDC có thể di truyền qua nhiều thế hệ và ở Việt Nam, di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 4.
Đời sống vật chất, tinh thần của nạn nhân còn rất khó khăn, thiếu thốn, nhất là những gia đình có nhiều nạn nhân, nhiều thế hệ nạn nhân, nạn nhân bị bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo, bệnh thường xuyên tái phát, sinh con dị dạng, dị tật, thiểu năng trí tuệ; nhiều nạn nhân là dân thường không còn khả năng lao động sản xuất, không có nguồn thu. Đa số hộ NNCĐDC thuộc hộ nghèo (tỉ lệ hộ gia đình nạn nhân nghèo chiếm khoảng 50- 60%, ở vùng sâu vùng xa khoảng 70%). Mức chi phí nuôi dưỡng, chữa bệnh cho nạn nhân rất lớn, vượt ra ngoài khả năng thanh toán của gia đình. Có thể nói: " NNCĐDC là những người nghèo nhất trong những người nghèo, những người đau khổ nhất trong những người đau khổ".
II. HỘI NNCĐDC/DIOXIN VIỆT NAM (VAVA) - TỔ CHỨC DUY NHẤT ĐẠI DIỆN CHO NNCĐDC VIỆT NAM
1. Hoàn cảnh ra đời
Cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam đã gây ra những tác hại rất to lớn và lâu dài đối với đất nước ta. Đặc biệt, tác hại của CĐDC đối với sức khỏe con người có thể còn kéo dài qua nhiều thế hệ.
Giải quyết hậu quả CĐDC, hàn gắn vết thương chiến tranh vừa là lương tâm, trách nhiệm, đạo lý đối với những người đã chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vừa là vấn đề xã hội nhân đạo đối với đồng bào ở những vùng bị ảnh hưởng CĐDC, vừa là vấn đề chính trị và ngoại giao tế nhị.
Đáp ứng yêu cầu đó, năm 1980, Ủy ban 10-80 ra đời và hoạt động đến năm 2000. Năm 1999, Ban Chỉ đạo 33 được thành lập. Trước đó, năm 1998, Quỹ Bảo trợ NNCĐDC thuộc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đi vào hoạt động. Tuy nhiên, thực tế đòi hỏi phải có một tổ chức đủ sức đảm đương những nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn mới.
Trong bối cảnh đó, ngày 10/01/2004, Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam([5])chính thức ra mắt hoạt động (Hội được thành lập theo Quyết định số 84/2003/QĐ-BNV ngày 17/12/2003 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ). Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước được suy tôn làm Chủ tịch danh dự; Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam giữ chức Chủ tịch đầu tiên của Hội.
2. Những vấn đề cơ bản về Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam
Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam là tổ chức xã hội có tính chất đặc thù (Hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ), là Hội của những NNCĐDC và các cá nhân tự nguyện đóng góp công sức, trí tuệ, tiền, vật chất để giúp đỡ những nạn nhân chất độc da cam, khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.
Hội được thành lập nhằm vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài giúp đỡ NNCĐDC hòa nhập cộng đồng xã hội; tập hợp đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên; giáo dục, động viên nạn nhân vượt khó vươn lên, đoàn kết giúp đỡ nhau trong cuộc sống và thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi của người công dân.
Hội đại diện cho các NNCĐDC trong các mối quan hệ với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, trong đấu tranh đòi Mỹ phải chịu trách nhiệm tham gia khắc phục hậu quả CĐHH do họ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.
Hội được tham gia xây dựng các cơ chế, chính sách; tư vấn, phản biện và giám định xã hội các cơ chế, chính sách đối với NNCĐDC.
Hội hoạt động trong phạm vi cả nước; có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. Hội có mối quan hệ, hợp tác với hơn 60 tổ chức nhà nước, tổ chức phi chính phủ của các nước trên thế giới.
3. Một số kết quả nổi bật trong hoạt động của Hội
Trải qua 20 năm hoạt động và phát triển (10/1/2004-10/1/2024), được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội; sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân các địa phương; với tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo, Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam đã triển khai toàn diện các mặt công tác và đạt nhiều kết quả quan trọng.
3.1. Công tác tuyên truyền
Công tác tuyên truyền luôn được các cấp Hội coi trọng và đẩy mạnh, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về thảm họa da cam và công cuộc khắc phục hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; động viên các tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC Việt Nam; qua đó nâng cao vị thế, uy tín, ảnh hưởng của Hội, cả ở trong nước và quốc tế.
Tổ chức hội các cấp phối hợp chặt chẽ với cơ quan tuyên giáo, cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tiến hành công tác tuyên truyền trong nước và tuyên truyền đối ngoại bằng nhiều hình thức, giúp cho nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế ngày càng hiểu rõ hơn về cuộc chiến tranh hóa học do quân đội Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam, đã gây nên thảm họa da cam lớn nhất trong lịch sử nhân loại. “Nỗi đau của NNCĐDC là nỗi đau của dân tộc Việt Nam và cũng là nỗi đau của nhân dân tiến bộ trên thế giới”. “NNCĐDC là những người nghèo nhất trong những người nghèo, người đau khổ nhất trong những người đau khổ” và họ đang rất cần sự cảm thông, sẻ chia, động viên, chăm sóc, giúp đỡ của nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế.
3.2. Công tác xây dựng, phát triển tổ chức hội
Tổ chức Hội NNCĐDC/dioxin đã được thành lập ở 63/63 tỉnh, thành phố, 612 huyện, quận, 6.722 xã, phường, thị trấn với hơn 400.000 hội viên. Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã được thành lập ở Trung ương, tại 40/63 tỉnh, thành phố; ở 108 quận, huyện và 539 xã, phường. Thời gian qua, thực hiện chủ trương tinh giản tổ chức, có 7 tỉnh Hội đã sáp nhập Hội NNCĐDC/dioxin vào các hội quần chúng có chức năng, nhiệm vụ tương đồng.
3.3. Công tác tham mưu đề xuất, tư vấn, phản biện
Hội đã chủ động phối hợp với các ban, bộ, ngành của Trung ương tham mưu phục vụ Đảng, Nhà nước ban hành các chủ trương về giải quyết hậu quả CĐHH, các chế độ, chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH; kịp thời phát hiện những bất cập trong thực hiện chế độ, chính sách đối với NNCĐDC, tích cực đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi chế độ, chính sách phù hợp với thực tế và điều kiện cho phép. Hội đã tham gia nhiều ý kiến với các cơ quan quản lý nhà nước ban hành các văn bản về chế độ, chính sách đối với những người làm công tác hội, tạo điều kiện cho họ có nguồn cổ vũ, động lực tiếp sức giúp nạn nhân xoa dịu nỗi đau bệnh tật, hòa nhập tốt với đời sống cộng đồng.